Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ Phú Túc, cây cỏ tế tưởng chừng như bỏ đi bỗng trở thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật, chinh phục bao khách hàng và du khác tới thăm.
Làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội nổi tiếng với nghề đan cỏ tế truyền thống hơn 400 năm, mới đây đã được thành phố Hà Nội công nhận là “điểm du lịch làng nghề đan cỏ tế.”
Từ đây, du khách đến thăm Thủ đô sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu thêm về một làng nghề truyền thống nổi tiếng và độc đáo của Hà Nội. Khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương, tham quan quy trình sản xuất thủ công và thậm chí tham gia vào quá trình làm sản phẩm.
Cây cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Cây cỏ tế xuất hiện sớm tại Phú Túc nhưng ban đầu chỉ là nguyên liệu để làm các đồ gia dụng, mỹ nghệ đơn giản. Người dân chủ yếu làm nghề chẻ cỏ tế để bán tại địa phương và một số huyện, tỉnh lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như rổ, rá, giỏ đựng cua, cá và làm nón.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cỏ tế đã dần khẳng định được vị thế của mình, trở thành nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của một nghề truyền thống đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ cỏ tế, người thợ Phú Túc với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như rổ, rá, tủ, bàn, ghế, khung ảnh, lọ hoa, con giống...
Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế về màu sắc tự nhiên rất đẹp và rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao.
Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm.
Để có được một sản phẩm cỏ tế đẹp, người thợ phải chọn các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Ngoài phát triển các sản phẩm từ mây tre, guột tế, người dân xã Phú Túc còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, bèo, bẹ chuối để tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã. Với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, các sản phẩm cỏ tế ở Phú Túc rất được ưa chuộng ở thị trường trong nước.
Các sản phẩm của làng nghề đã đạt đến độ tinh xảo và ngày càng vươn xa ra thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông.
Việc sản xuất hàng xuất khẩu ở Phú Túc đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, có hộ chuyên đan phần thân, hộ khác chuyên phơi, sấy, hun, phun bóng… Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ Phú Túc, cây cỏ tế tưởng chừng như bỏ đi bỗng trở thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật, chinh phục bao khách hàng và du khác tới thăm.
Việc thành phố Hà Nội công nhận làng nghề Phú Túc là điểm du lịch là cơ hội để quảng bá sâu rộng hơn nữa hình ảnh và sản phẩm của làng nghề Phú Túc, đưa nghề thủ công truyền thống tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Điều này cũng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nghề truyền thống, giúp duy trì các kỹ thuật thủ công truyền thống trước nguy cơ mai một trong thời đại công nghiệp hóa.
Hội Nông dân xã Phú Túc
LÀNG NGHỀ ĐAN CỎ TẾ PHÚ TÚC
Làng nghề đan Cỏ tế Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội nổi tiếng với nghề đan cỏ tế truyền thống hơn 400 năm, mới đây đã được thành phố Hà Nội công nhận là “Điểm du lịch làng nghề đan cỏ tế”.
Xã Phú Túc – Huyện Phú Xuyên – Thành phố Hà Nội.
Bảo trợ truyền thông bởi:
Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam
Website: www.amcvietnam.net
Email: ba.amcvietnam@gmail.com
Điện thoại: 094.9999.196 - 0979.669.655